Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tham dự lễ khai giảng trường ĐH Khoa học và Công nghệ HN khai giảng năm học mới


Hôm nay (15/12), Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) – trường đại học công lập quốc tế được thành lập theo Hiệp định song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp tổ chức khai giảng năm học mới. Đến dự lễ khai giảng có Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Jean-François Girault, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, ông Châu Văn Minh – Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.
Năm học 2011 – 2012 là năm thứ 2 USTH đi vào hoạt động. Sau hai kỳ tuyển sinh, tổng số sinh viên hiện nay của nhà trường lên đến gần 200 sinh viên đang theo học chương trình Cử nhân Khoa học Công nghệ và Thạc sỹ ở 4 chuyên ngành Khoa học Công nghệ Thông tin và Truyền Thông, Khoa học Vật liệu – Công nghệ Nano, Công nghệ Sinh học – Dược học, Nước – Môi trường – Hải dương học. Hai chuyên ngành Thạc sỹ là Năng lượng và Khoa học Hàng Không – Vũ trụ sẽ được mở trong năm 2012. Trong số đó, có nhiều sinh viên quốc tế đến từ Pháp, Lào, Nigeria…đang theo học tại trường.
images606539 DSC 1765 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tham dự lễ khai giảng trường ĐH Khoa học và Công nghệ HN khai giảng năm học mới
ĐH USTH khai giảng năm học mới
Theo ông Pierre Sebban, Hiệu trưởng nhà trường, mối quan hệ hợp tác song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Pháp chính là chìa khóa đảm bảo cho sự thành công lâu dài và vững chắc trong quá trình xây dựng và phát triển Trường USTH. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại sứ quán Pháp, cùng sự hỗ trợ của các Bộ, Ban ngành của hai nước và Liên minh đào tạo gồm nhiều Trường đại học lớn và các Viện nghiên cứu của Pháp và Việt Nam, sau hơn một năm đi vào hoạt động, Trường USTH đã thành công trong việc ghi tên mình vào danh sách các trường Đại học ở Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã ghi nhận những kết quả mà trường ĐH Khoa học và Công nghệ đạt được trong thời gian qua, đồng thời kỳ vọng trường sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ với các trường ĐH hàng đầu trên thế giới cũng như các doanh nghiệp.
Bộ trưởng cho biết, tháng 11/2011, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã chính thức ký hiệp định cho vay tổng giá trị 190 triệu USD cho việc đầu tư xây dựng trường USTH trở thành trường ĐH xuất sắc của Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Dự án sẽ thiết lập USTH theo một hình mẫu trường đại học mới chú trọng vào công tác nghiên cứu và giảng dạy các ngành khoa học và công nghệ theo tiêu chuẩn quốc tế với mối liên kết chặt chẽ hơn giữa trường đại học và các ngành công nghiệp.
Bên cạnh khoản tài trợ 190 triệu USD của ADB, Chính phủ Pháp cũng cam kết hỗ trợ 100 triệu Euro trong hơn 10 năm và Chính phủ Việt Nam sẽ cung cấp 23 triệu USD cho việc phát triển trường USTH.
Hiếu Nguyễn (Theo GDDT)

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Việt Nam-Lào hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao


Hai nước phấn đấu đến năm 2020, tập  trung chủ yếu cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, với số lượng tăng bình quân khoảng 10%/năm.
Việt Nam và CHDCND Lào sẽ phối hợp để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực từ nay đến năm 2020.
giao duc Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Việt Nam Lào hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị
Trong cuộc họp về đề án phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước diễn ra sáng 14/12, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết: Trong năm nay, phía Việt Nam sẽ tiếp tục giúp Lào đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên ở trình độ tiến sĩ, thạc sĩ và cử nhân và cung cấp một số tài liệu, giáo trình và giáo án giảng dạy.
Việt Nam sẽ tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Việt và bồi dưỡng kiến thức phổ thông cho học sinh Lào trước khi bước vào học đại học các ngành chuyên môn tại Việt Nam.
Mỗi năm, Chính phủ Việt Nam sẽ cấp 20 suất học bổng chuyên ngành Sư phạm cho con em Việt kiều nhằm tạo nguồn giáo viên cho các trường học ở Lào.
Về phía Lào, sẽ tiếp tục nhận sinh viên Việt Nam sang học tiếng Lào tại Trường Đại học Quốc gia ở thủ đô Vientiane, đồng thời cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho con em Việt kiều theo học tại các trường của Lào; hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giáo viên Việt Nam.
Ngoài ra, Lào cũng sẽ tăng cường dạy tiếng Việt tại các trường phổ thông trong hệ thống giáo dục của Lào và bắt đầu từ năm 2015-2016 sẽ thực hiện thí điểm giảng dạy song ngữ 4 môn cơ bản: Toán, Lý, Hóa, Tinh học (hoặc Sinh học) tại một số trường học.
Việt Nam và Lào sẽ mở rộng hình thức đào tạo theo nhu cầu xã hội và doanh nghiệp, đồng thời hướng tới việc sử dụng nguồn nhân lực một cách hiệu quả. Hai nước phấn đấu từ nay đến năm 2020, tập trung chủ yếu cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, với số lượng tăng bình quân khoảng 10%/năm theo Hiệp định hợp tác hàng năm giữa hai Chính phủ.
Hợp tác giáo dục-đào tạo là một trong những điểm nhấn trong quan hệ hữu nghị Việt-Lào. Nhiều thế hệ học sinh Lào học tập tại Việt Nam đã trở thành những nhịp cầu nối, làm sâu đậm hơn tình cảm hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước.
Mỗi năm Việt Nam tiếp nhận khoảng 650 học sinh Lào và hiện có tới gần 5.000 học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam. Kể từ năm 1991 đến nay, Việt Nam đã giúp Lào đào tạo được trên 12.000 người với cơ cấu ngành nghề và cấp bậc đào tạo khác nhau, cung cấp cho Lào đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên gia giỏi trong nhiều lĩnh vực chủ chốt./.
Bích Lan